MÔ HÌNH ĐẠI LÝ THUẾ TẠI VIỆT NAM
Từ thực tiễn cải cách công tác quản lý thuế tại Việt Nam và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, ngành Thuế nhận thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ về thuế thì cần thiết phải xã hội hóa hoạt động này thông qua việc hình thành các tổ chức trung gian, đồng hành cùng cơ quan thuế cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người nộp thuế. Và hình thức dịch vụ ĐẠI LÝ THUẾ được ra đời từ những nhu cầu này.Theo quy định tại chương I Điều 20 Luật quản lý thuế thì : “Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế – Đại lý thuế là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có điều kiện được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thực hiện các thủ tục về thuế theo thoả thuận với người nộp thuế” Như vậy, có thể hiểu đơn giản là Đại lý thuế không phải là tổ chức đại diện cho cơ quan thuế, mà Đại lý thuế là một công ty kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, là cầu nối giữa doanh nghiệp và Cơ quan thuế.
Hiện nay, có rất nhiều tổ chức, cá nhân đang nhận làm dịch vụ về thuế như: khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế,… Tuy nhiên, số doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đại lý thuế thì không nhiều. Theo Thông tư số 117/2012/TT-BTC được ban hành ngày 19/7/2012 để được thành lập một Đại lý thuế, cần phải có các điều kiện như: Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có ngành, nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có ít nhất hai nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.